Kính gửi:
– Các phụ huynh có con sắp học và đang học lớp 6.
– Quý thầy cô đã và đang dạy Vật lý lớp 6.
– Cán bộ phụ trách chuyên môn của các trường THCS.
Trước đây khi chưa dạy Vật lý lớp 6, nghe phụ huynh nói về kết quả học cũng như ý kiến phản hồi của con em mình về môn Vật lý không được tích cực; tôi và phần lớn các đồng nghiệp giảng dạy ở THPT có quan điểm do nội dung kiến thức học và lứa tuổi chưa phù hợp. Sau một năm tham gia dạy Vật lý cho 4 lớp và được trực tiếp làm việc với nhiều đối tượng học sinh, quan điểm của tôi hoàn toàn thay đổi:
1. Về nội dung kiến thức
Lần đầu tiên các em được học Vật lý, ấn tượng ban đầu để các em hứng thú, yêu thích môn học là rất quan trọng. Bắt đầu tiếp cận với môn học, nếu không làm cho các em biết rõ mục đích, đối tượng của môn học, ý nghĩa, phương pháp học, cách tư duy và lập luận để giải quyết vấn đề thì sẽ ảnh hưởng rất to lớn đến các em về học Vật lý nói riêng, các môn khoa học tự nhiên nói chung.
Theo tôi, nội dung có trong SGK Vật lý 6 là rất hay, khoa học và thiết thực. Vật lý 6, kiến thức và kỹ năng được học rất cần thiết để tiếp tục học cao hơn (phép đo các đại lượng Vật lý, các khái niệm, hiện tượng tự nhiên, … kỹ năng tiến hành thí nghiệm, đọc và viết kết quả…). Khi giảng dạy ở trường Chuyên (học sinh đã được tuyển chọn) tôi thấy hầu hết các em bỏ qua những kiến thức cơ bản nhất được học ở THCS (như cho một vật có khối lượng m = 1kg với m =1,00kg khác nhau như thế nào – Vật lý 6). Ngoài ra, rất nhiều kiến thức học có thể vận dụng trong cuộc sống thường ngày (kỹ năng làm việc, tự tin trong cuộc sống, hiểu biết thế giới tự nhiên … tránh được những tình huống nguy hiểm cho bản thân và mọi người).
2. Về lứa tuổi để tiếp thu kiến thức môn học
Thường khả năng “Trời phú” ở mỗi người thường biểu hiện khá sớm, sự cần thiết phải phát hiện và bồi dưỡng kịp thời là một việc làm vô cùng quan trọng đối với sự hùng mạnh của Đất nước bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia””.
Buổi đầu lên lớp, khi nói về mục đích, đối tượng của Vật lý cũng như lịch sử các khám phá vĩ đại và thành quả mà nó mang lại cho nền văn minh nhân loại; hầu hết các em hào hứng và yêu thích môn học.
Trong quá trình dạy, có rất nhiều câu hỏi, các thắc mắc được các em đưa ra thật bất ngờ; các câu trả lời khi thầy hỏi cũng thật sự đáng khâm phục. Sau đây là một số trong nhiều câu chuyện mà quá trình dạy tôi nhận được. Xin chia sẻ để quý phụ huynh, các thầy cô và những ai chưa rõ về lứa tuổi đã phù hợp với môn học hay chưa cùng tham khảo để có thêm những góc nhìn tích cực:
Một lần dạy về phép đo khối lượng bằng cân Roberval, sau khi học, một số học sinh đặt câu hỏi, nếu cân các vật có khối lượng lớn hơn giới hạn đo của cân thì làm thế nào (thể hiện sự hiểu bài và suy tư tích cực như bài toán cân voi …)? Cuối giờ, tôi có nêu ra một câu chuyện có thật cách đây đã lâu về một người bán hàng: khi các khách mua hàng, về nhà cân lại luôn bị hụt khối lượng so với lúc mua. Các đoàn kiểm định đến kiểm tra cân Roberval của cửa hàng thì cân rất chính xác. Sự việc chỉ được làm rõ khi có một khách hàng giỏi Vật lý và đương nhiên biết quá rõ về nguyên tắc đo khối lượng bằng cân Roberval đến tìm hiểu nguyên nhân. Tôi đặt câu hỏi về nguyên nhân ở đâu (kèm theo gợi ý là ngay phía trên cân là một chiếc quạt trần đang hoạt động; không hiểu là vô tình hay cố ý). Một số học sinh xung phong và trả lời là do gió thổi từ trên xuống. Tôi khẳng định là đúng, nhưng lại bất ngờ khi một số học sinh ngay lập tức giơ tay và thắc mắc là không phải, lý luận của các em là gió thổi lên cả hai bên đĩa cân thì không ảnh hưởng đến kết quả đo. Tôi nói, đó chính là bài tập nâng cao, hãy tìm ra nguyên nhân cho thầy vào buổi học sau. Giờ ra chơi, các em vẫn hào hứng bàn về chuyện đó. Xa hơn mong đợi, buổi học sau có em hỏi: “Nếu đi mua hàng mà người bán đặt nhầm quả cân sang bên trái thì sao ạ?” Tôi cho cả lớp cùng suy nghĩ và cuối cùng đã có kết luận chính xác là người mua sẽ bị thiệt. Câu hỏi đặt ra là thiệt bao nhiêu? Với sự hiểu biết thấu đáo về phép đo khối lượng bằng cân Roberval và sự suy luận thông minh, không cần cân lại các em cũng biết sẽ thiệt một lượng bằng 2 lần số chỉ con mã. Nhân tiện, tôi hỏi nếu các em đi cùng bố mẹ mang Vàng đi bán (em biết rõ người mua cân nhầm có lợi cho mình) thì em sẽ xử lý như nào?… Và các em đủ khả năng cảm nhận ra học để làm gì và nếu các em có câu trả lời tiêu cực thì ta giáo dục các em ngay về lẽ sống … Vừa dạy kỹ năng, kiến thức sâu sắc, vừa liên hệ thực tế để các em hiểu được học để làm gì và sự thật điểm số không phải là thứ quan trọng nhất.
Dạy xong về những kết quả khi một vật chịu tác dụng lực: “khi một vật chịu tác dụng lực thì hoặc vật đó bị biến đổi chuyển động hoặc bị biến dạng…”; tôi yêu cầu các em lấy các ví dụ thực tế minh họa. Một em giơ tay và nói: “hình như lý thuyết vừa học sai thầy ạ”. Em lập luận, ở nhà em mới giơ tay lên, chưa động vào con chó mà nó đã chạy rồi thì sao ạ. Một câu thắc mắc thật đáng yêu (không khí lớp học trở nên hấp dẫn và cũng cần khả năng sư phạm tốt để xử lý tình huống này hay nhất).
Câu chuyện khi trả bài kiểm tra: Đề bài yêu cầu nói về hai lực cân bằng, một học sinh làm bài: “là hai lực có phương trùng nhau, cùng tác dụng lên một vật nhưng khác hướng”. Cô trợ giảng chấm bài trừ của em 0,25đ, học sinh đó thắc mắc thì cô nói là phải cùng phương ngược chiều mới đúng. Em thắc mắc: Ngược hướng và khác hướng trong trường hợp này theo em là như nhau?
Tôi hiểu ý của em, lý luận của em đúng và tôi rơi vào tình huống khó khi các câu hỏi này đã đi quá xa với nhìn nhận của tôi về lứa tuổi của học sinh lớp 6! Lại phải tìm cách giải quyết sao cho được cả cô lẫn trò. Sự công bằng là quan trọng, đối với trẻ thơ điều này lại càng phải đề cao.
3. Những mong muốn của tôi
* Các trường THCS nên bố trí giáo viên tốt nhất cho Vật lý lớp 6.
* Về kiến thức Vật lý 6 theo tôi là rất khoa học và thiết thực (không cần phải thay sách, nên đổi mới cách dạy sao cho các em thực hành nhiều hơn còn SGK, SBT thì nên sửa những chỗ sai và thiếu thực tế, bổ sung phần liên hệ thực tế).
* Về độ tuổi của học sinh rất phù hợp để học môn Vật lý. Với các em học sinh có năng khiếu, các em hoàn toàn có thể học vượt cấp và nên có những trường năng khiếu cho lứa tuổi từ học sinh lớp 5.
Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng các thầy cô, các bậc phụ huynh nói chung và các thầy cô dạy Vật lý 6 nói riêng một số ý kiến của tôi về nội dung kiến thức cũng như đối tượng học sinh lớp 6. Mong muốn đây cũng là một thông tin phần nào có ý nghĩa đối với cán bộ quản lý chuyên môn của BGD, SGD và các trường THCS. Đây là cảm nhận sau một năm trực tiếp giảng dạy Vật lý 6, chỉ là suy nghĩ chủ quan của tôi, rất mong nhận được những ý kiến của các đồng nghiệp, các phụ huynh học sinh để chúng ta cùng hoàn thiện hơn và phục vụ ngày càng tốt hơn trong sự nghiệp trồng người.
Xin trân trọng cám ơn!
Hebec Science, hè 2019